Thiết Kế Tổng Thể Ngôi Nhà Tuổi Thơ
Bài viết nêu lên những yếu tố cần quan tâm khi lên kế hoạch thiết kế tổng thể cho Ngôi nhà tuổi thơ Montessori
24 tháng 9, 2021 bởi
Long Han


1. Số lượng học sinh trong lớp học

Một số tổ chức quốc tế có uy tín về đào tạo giáo viên Montessori khuyến nghị số lượng học sinh theo từng độ tuổi khác nhau. Tổ chức AMI khuyến nghị lớp học cho lứa tuổi 0–3 có 10–14 trẻ, lứa tuổi mẫu giáo 3–6 từ 24–35 trẻ, tiểu học 6–12 từ 24–35 trẻ. AMS thì không đưa ra số lượng trẻ đề nghị cho mỗi lớp, nhưng đưa ra quy định về tỉ lệ trẻ/giáo viên là trẻ sơ sinh 4:1, tập đi là 10:1, mẫu giáo là 15:1, tiểu học là 20:1. 

Theo chúng tôi, số lượng học sinh tối đa trong một lớp phụ thuộc cả vào năng lực của giáo viên và trợ tá của họ. Và cần lưu ý rõ một điểm là cả năng lực đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh đều cần có được mục tiêu tăng lên theo thời gian. Vì vậy con số có ý nghĩa với bạn khi thiết kế lớp học là số lượng học sinh tối đa của lớp học, dựa trên điều kiện diện tích lớp học có sẵn, hoặc là yêu cầu diện tích khi thiết kế, xây dựng toà nhà mới. 

Với điều kiện tại Việt Nam, chúng ta thường sử dụng nhà phố, hoặc biệt thự, hay là mặt sàn tại các toà nhà chung cư để mở nhóm lớp hoặc trường ở quy mô nhỏ, với diện tích phổ biến từ 40m2 cho tới 80m2. Con số khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra là: 

  • Lớp mầm non: 14–20 trẻ, 1 giáo viên, 2–3 trợ tá; 

  • Lớp mẫu giáo: 15–26 trẻ, 1 giáo viên, 0–1 trợ tá. 

(Hoạt động ngoài trời của lớp học Montessori - Nguồn ảnh: Casa Hanoi)

Khi diện tích mặt bằng của bạn lớn hơn, số lượng trẻ tối đa có thể tăng lên được, nhưng cần đảm bảo năng lực của giáo viên cũng có khả năng “leading” được một đội ngũ đông đảo như vậy. Diện tích của lớp học cần phải cung cấp đủ không gian cho số lượng tối đa học sinh hoạt động thoải mái trong giờ Montessori. Điều này sẽ được chúng tôi đề cập kỹ hơn khi đi vào thiết kế chi tiết các khu vực chức năng bên trong lớp học. 

2. Số lượng và cơ cấu lớp học

Một yếu tố quan trọng liên quan tới vấn đề này là công tác tuyển sinh trẻ. Chúng ta cần phải có cơ cấu lớp học hợp lý để đảm bảo: 

  • Trẻ độ tuổi nhỏ chuyển sang lớp độ tuổi lớn hơn luôn luôn có đủ suất trống còn trống. Bạn không muốn thông báo với phụ huynh rằng trường không nhận trẻ vì lý do “ngớ ngẩn” này. Và bạn cũng không muốn rơi vào tình huống bị động, khi buộc phải mở thêm lớp học để đáp ứng tình huống này, nhưng số lượng trẻ để bắt đầu vận hành lớp học quá thấp. 

  • Định hướng tuyển sinh của trường: trẻ mầm non và mẫu giáo có thể chuyển trường bất cứ lúc nào, và trường của bạn cần phải sẵn sàng nhận trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cho đến khi đạt được sỹ số trẻ tối đa theo thiết kế. Một số trường có thể có định hướng ưu tiên nhận trẻ mầm non (khi trẻ được hỗ trợ từ độ tuổi này, các độ tuổi sau sẽ dễ dàng hơn cho giáo viên khi vận hành lớp học ở số lượng sỹ số trẻ lớn hơn thông thường, và chất lượng đầu ra trên trẻ cũng được nâng cao), hoặc định hướng ưu tiên nhận trẻ mẫu giáo (nhận trẻ ở độ tuổi này có hiệu quả cao hơn về vận hành do tổng thời gian học thường gấp đôi so với trẻ mầm non, số lượng giáo viên/trẻ cao hơn). Ngoài ra thông tin khảo sát về nhóm phụ huynh tiềm năng với các thông tin như độ tuổi trẻ bắt đầu đi học cũng ảnh hưởng tới cơ cấu lớp học. 

Với kinh nghiệm của chúng tôi, tỉ lệ tối ưu nhất cho việc nhận trẻ liên tục ở mọi độ tuổi là số lượng trẻ mầm non/mẫu giáo dao động từ 1:2.5 tới 1:3. Với mô hình ngôi nhà tuổi thơ, chúng tôi khuyến nghị nên có cơ cấu như sau: 

  • 01 lớp mầm non: 14–18 trẻ; 

  • 02 lớp mẫu giáo: 20–26 trẻ. 

Nếu bạn có kế hoạch xây mô hình nhiều cơ sở hoặc xây dựng một trường lớn, sử dụng con số trên làm cơ sở khi bạn lựa chọn mặt bằng và tính toán cấu lớp học phù hợp. 

Ngoài đội ngũ giáo viên, bạn sẽ cần có bộ phận (một người hoặc một nhóm tuỳ theo khối lượng công việc) quản trị để thực hiện các công việc và hoạt động bên ngoài lớp học như hành chính, kế toán, quản lý toà nhà (nếu bên cho thuê không đảm nhiệm công việc này). Vì vậy chúng ta cần có một số lượng lớp học đủ lớn (có thể ở nhiều địa điểm khác nhau) để bộ phận này hoạt động hiệu quả. 

3. Không gian ngoài lớp học

Ngoài lớp học, cũng sẽ có các không gian chung cho toàn bộ ngôi nhà trẻ thơ mà bạn cũng cần ra quyết định: 

  • Khu vực đón/trả trẻ, văn phòng làm việc dành cho các bộ phận quản trị và giáo viên.

  • Phòng bếp và phòng ăn (nếu trường cung cấp dịch vụ ăn trưa).

4. Các nguyên tắc chung trong việc bố trí mặt bằng lớp học

Chúng tôi sẽ không bàn tới các nguyên tắc chung thiết kế mặt bằng tổng thể cho toàn bộ ngôi trường, mà chỉ bàn tới thiết kế mặt bằng lớp học. Việc thiết kế bên trong phòng học sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo. Dưới đây là một số nguyên tắc là chúng tôi đúc rút được. 

    4.1. An toàn

Vùng quan sát:  không gian bên trong và bên ngoài lớp học cần được sắp xếp để giáo viên có thể dễ dàng quan sát trẻ đang làm việc ở bất cứ vị trí nào. 

    4.2. Tiện lợi

Kết nối với bên ngoài: kết nối trực tiếp lớp học với không gian bên ngoài thông qua hệ thống cửa sổ và cửa ra vào lớn, thấp.

 Kết nối với bên trong: kết nối không gian chính của lớp học với với các khu vực chức năng khác của lớp như khu vực để tủ đựng đồ dùng, tủ cá nhân,.. và phòng chức năng khác trong ngôi nhà trẻ thơ. 

(Cửa sổ ngập tràn ánh nắng - Nguồn ảnh: Tổ Kén Preschool)
    4.3. Linh hoạt

Không gian mở: cung cấp không gian mở tại trung tâm lớp học với diện tích lớn nhất có thể làm khu vực tập hợp cả lớp, và giáo viên có thể tự sắp xếp các đồ nội thất khác trong lớp học như kệ giáo cụ, giá sách, bàn cao và ghế, bàn thấp, tủ cá nhân, tủ đựng đồ dùng.

    4.4. Thẩm mỹ

Dễ dàng quan sát ở cửa chính:  đặt cửa chính ở vị trí mà có thể dễ dàng quan sát bên trong lớp học, cũng như khi đi xung quanh tường bao.

 Phòng hình chữ nhật: nên tránh các hình vuông, tròn hoặc tương tự khi thiết kế phòng học. Kích thước hai chiều lý tưởng là theo tỉ lệ vàng (1:1.67).

 Lối vào dẫn vào trung tâm:  lối vào cửa chính nên đặt theo phương chiều dài của phòng học.

 Không thang máy:  nên tránh xếp chồng toà nhà quá nhiều tầng để không phải sử dụng thang máy trong toàn bộ ngôi nhà. 

Có một bản thiết kế phù hợp sẽ giúp bạn giảm thiểu các chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, cũng như định hình các hoạt động, quy trình làm việc của toàn bộ ngôi trường mà bạn lên kế hoạch xây dựng. Một thiết kế phù hợp cũng sẽ giúp bạn tối ưu hoá các chi phí liên quan tới đảm bảo chất lượng và chi phí hoạt động. Hơn hết, đó là điều kiện cần để bạn có thể tự tin trao môi trường được chuẩn bị này cho trẻ. 

(Được viết bởi Oreka Montessori - giaocumontessori.com)
Long Han 24 tháng 9, 2021
Chia sẻ bài này
Lưu trữ